Dư âm Quách_Thị_Trang

Ngay sau Cuộc đảo chính 1963 tại Nam Việt Nam lật đổ Tổng thống Ngô Đình Diệm, người dân Sài Gòn đã bắt đầu gọi nơi đây là "Bùng binh Quách Thị Trang" để tôn vinh chị thay cho tên gọi chính thức là "Công trường Diên Hồng".[4]

Đầu tháng 8 năm 1964, để tưởng nhớ Quách Thị Trang, Hội sinh viên học sinh do sinh viên Vũ Quang Hùng làm trưởng ban, tổ chức quyên góp để tạc tượng chị[5]. Ngày 25 tháng 8, nhân cuộc biểu tình chống tướng Nguyễn Khánh, tượng được dựng ngay ở gần nơi chị mất, tức ngay tại bùng binh, kề bên tượng đài danh tướng Trần Nguyên Hãn, trước cửa chính chợ Bến Thành, Sài Gòn.

Cũng trong năm này, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đặt tên chị cho một cô nhi viện lớn, nuôi hơn 7.000 trẻ em mồ côi[6] tọa lạc ở phía sau chùa Việt Nam Quốc Tự.

Năm 1965, được sự đồng ý của chính phủ tướng Nguyễn Cao Kỳ, thượng tọa Thích Mãn Giác đã cho đặt một tấm biển đồng đề "Liệt nữ Quách Thị Trang" tại bệ tượng. Năm 1966, phần mộ của chị đã được gia đình và một số Phật tử cải táng đưa về chùa Phổ Quang cho đến hôm nay.

Sau 1975, Chính phủ Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam công nhận Quách Thị Trang là liệt sĩ và nơi chị đã hy sinh cũng được chính thức mang tên quảng trường Quách Thị Trang. Vì lý do thì công tuyến đường sắt tàu điện ngầm Bến Thành - Suối Tiên, cho nên quảng trường đã bị phá bỏ.